Ngày 7/7, UBND tỉnh Ninh Thuận cùng Tập đoàn Trung Nam khởi công dự án Nhà máy điện mặt trời trên vùng diện tích gần 300 ha tại xã Bắc Phong và Xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc.
Với tổng công suất 204 MW, đây là dự án điện mặt trời lớn nhất nước và cũng là dự án tích hợp năng lượng tái tạo đầu tiên tại Việt Nam, khi tận dụng khu vực để đặt cột tua-bin khai thác điện gió và tấm pin khai thác điện mặt trời.
Các tấm pin của dự án được thiết kế gắn trên hệ giá đỡ xoay 120 độ, tự động xoay độc lập và điều chỉnh hướng đón bức xạ mặt trời theo thời gian trong ngày, hoặc xoay tránh bị khuất bóng của các cột điện gió, để tăng hiệu suất khai thác 15-20%.
Dự án có quy mô khổng lồ với hơn 705.000 tấm pin mặt trời được bố trí trên 7.800 hệ thống giá đỡ. Ước tính tổng khối lượng thiết bị điện lắp đặt cho dự án là hơn 60.000 tấn.
Ông Nguyễn Tâm Thịnh (đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết, khi đưa vào vận hành Nhà máy điện mặt trời có thể đạt tổng sản lượng tối đa khoảng 450 triệu kWh mỗi năm. Sản lượng điện trên khi hòa vào mạng lưới điện quốc gia sẽ cung cấp, bổ sung nguồn điện cho tỉnh Ninh Thuận và cả nước.
Bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác tiềm năng tự nhiên của tỉnh, dự án sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng, khi ưu tiên nguồn nhân lực địa phương và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực.
"Việc khai thác năng lượng tái tạo quy mô lớn và tích hợp như trang trại điện mặt trời - điện gió sẽ góp phần bảo vệ môi trường khi giảm thiểu đáng kể lượng khí thải nhà kính, lượng phế phẩm từ quá trình sinh nhiệt do sử dụng nhiên liệu hóa thạch", ông Thịnh nói và cho biết nhà máy dự kiến vận hành vào tháng 6 năm sau.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu tỉnh Ninh Thuận phát huy tiềm năng, sớm đưa tỉnh trở thành trung tâm năng lượng tái tạo.
Theo quy hoạch của UBND tỉnh Ninh Thuận, đến năm 2020 sẽ phát triển 2.000 MW điện mặt trời. Hiện đã có 27 dự án với tổng công suất 1.600 MW, trong đó 11 dự án đã triển khai có tổng công suất khoảng 800 MW.
Ninh Thuận với tỷ lệ bức xạ mặt trời trực tiếp trung bình luôn cao hơn 4,5 kWh trên mỗi m2; có đến 2.800 giờ nắng trong năm - cao hơn các tỉnh lân cận. Ngoài ra, với 8000 ha vùng nắng của Ninh Thuận không bị ảnh hưởng từ bão (do được bao bọc bởi các cao nguyên và dãy núi) là những yếu tố quan trọng giúp địa phương trở thành khu vực có tiềm năng lớn nhất để xây dựng các dự án điện mặt trời bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo khác.